Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Làng tạc tượng Bảo Hà

Sau hơn 500 năm, những nghệ nhân làng Bảo Hà (xã Đồng Minh – huyện Vĩnh Bảo – Tp. Hải Phòng) vẫn nức danh xứ Đông bởi có nghề làm tượng Phật. Về Bảo Hà hôm nay khắp đường làng, ngõ xóm là những xưởng tạc tượng suốt ngày nhộn nhịp tiếng cưa đục. Người dân Bảo Hà đang làm giàu từ chính nghề truyền thống của ông cha.

< Chân dung tự tạc của ông tổ nghề Nguyễn Công Huệ.

Xưa kia, làng nghề tạc tượng Bảo Hà từng là nơi sản xuất tượng đẹp có tiếng ở xứ Đông (trấn Đông của kinh thành Thăng Long xưa - PV). Từ thế kỷ XV, ông tổ nghề Nguyễn Công Huệ đã bày cho người dân trong vùng nghề tạc tượng. Tương truyền, bức tượng tổ Nguyễn Công Huệ và tượng thánh Linh Lang Đại Vương trong miếu cổ làng Bảo Hà là những tác phẩm để đời của cụ.

< Tương truyền tượng Linh Lang Đại Vương có tuổi đời gần 500 năm cũng là một tác phẩm nổi tiếng của ông tổ làng nghề Nguyễn Công Huệ.

Ngày nay, khi kinh tế thị trường phát triển, những người dân Bảo Hà đã mạnh dạn làm giàu cho bản thân và quê hương từ nghề cổ.

< Một cụ già người làng Bảo Hà thành kính trước bàn thờ tổ nghề Nguyễn Công Huệ.

Từ những xưởng nhỏ, nhiều gia đình đã mở rộng quy mô thành xưởng sản xuất lớn hơn đáp ứng những đơn đặt hàng ngày càng nhiều, điển hình như xưởng của ông Văn Túy (Hội nghệ nhân Tp Hải Phòng).

< Cưa máy giúp người thợ tạo hình cho sản phẩm được chuẩn xác.

Bà Nguyễn Thị Ngần, một chủ xưởng chia sẻ: “Tổ tiên đã để lại một nghề quý cho con cháu. Nghề cổ này là nghề giúp chúng tôi có thu nhập. Nếu nói cuộc sống khá giả lên rất nhiều do nghề nghiệp của tiên tổ để lại cũng không có gì quá”.

< Người thợ Bảo Hà dồn hết tâm trí vào mỗi đường đục cho tác phẩm của mình.

Năm 2007 làng nghề Bảo Hà, xã Đồng Minh được UBND Tp Hải Phòng công nhận là “Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ - sơn mài”. Hiện nay, trong số 973 hộ làm nghề ở Bảo Hà, có tới 180 hộ tạc tượng với 20 xưởng sản xuất lớn nhỏ, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.

< Một tượng Phật cỡ lớn đang trong quá trình tạo dáng.

Hàng năm, làng nghề đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, thu nhập trung bình mỗi xưởng lớn không dưới 30 triệu đồng/tháng, tháng nào nhiều đơn hàng có thể lên tới 50 triệu đồng.

< Một người thợ làng nghề Bảo Hà.

Những con số trên tuy chưa nhiều song đã cho thấy sự phối hợp của địa phương và người dân trong việc gìn giữ và phát triển nghề tạc tượng. Làng nghề Bảo Hà đã là một địa điểm trong chương trình "Du khảo đồng quê" của du khách mỗi khi về Vĩnh Bảo tham quan khám phá du lịch làng nghề.

< Ghép gỗ tạo dáng là một trong những thế mạnh của nguời thợ Bảo Hà.

Nói về đặc trưng của tượng ở Bảo Hà, bà Nguyễn Thị Ngần cho biết, khách hàng ở khắp nơi, trong nước và nước ngoài chuộng tượng được làm ở Bảo Hà vì cái thế tượng luôn vững chãi và cân đối, mạnh mẽ về hình khối. Những đường nét trên tượng chân thật như thể đang “tạc” hồn nhân vật.

< Nước sơn thí (lớp sơn lót) luôn được người thợ thực hiện rất cẩn thận.

Với người thợ Bảo Hà, từ khi là anh phó học nghề, đến khi mắt đã quen nhìn và nhập tâm từng mẫu tượng là sự học hỏi không phải ngày một ngày hai. Quan sát họ làm chúng tôi mới thấy, ngoài sự tài hoa, khéo léo của người dân quê, họ còn có sự nhuần nhuyễn của người thợ giỏi.

< Sự tỉ mỉ của người thợ trên từng đường nét sơn son.

Khi hợp đồng vừa đưa đến, trong đầu người thợ đã hình thành được tư thế tượng; tạo dáng thế nào; kích cỡ cũng đã được áng chừng. Tuy đạt đến mức “thuận mắt quen tay” nhưng mỗi công đoạn không vì thế mà người thợ làm cẩu thả, chủ quan, trái lại rất khoa học. Ví như việc đẽo gọt từng bộ phận rồi chắp lại cho khít, hay công đoạn sơn được người thợ làm cẩn thận để tạo ra được màu “sơn son thếp vàng” bền vững qua năm tháng không bị bào mòn.

< Tượng truyền thần - một mảng sáng tạo thể hiện tài năng của người thợ Bảo Hà.

Ngoài thể hiện hình tượng có tính cổ điển khuôn mẫu, tượng truyền thần - một mảng sáng tạo nữa của nghệ nhân Bảo Hà cũng rất đặc sắc. Mỗi bức tượng được thực hiện khá chân thật, khi hóm hỉnh, khi chất phác, khi hiền hậu… Người nghệ nhân thể hiện được khí chất, tính cách của những con người bình thường trên tượng truyền thần. Điều đó càng khẳng định sự khéo léo của người thợ Bảo Hà.

< Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuý thếp bạc trên tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Giữa thanh âm đục đẽo của xưởng, tôi cứ lặng ngồi quan sát từng tốp thợ miệt mài đẽo gọt những thớ gỗ vô tri thành những “tác phẩm nghệ thuật”. Tôi đã thấy cái tài và cả cái tâm của những người “nghệ sỹ nông dân” này. Thiết nghĩ, bằng cách này người dân Bảo Hà không chỉ tự hào, trân trọng vốn quý mà ông cha để lại mà còn là sự gìn giữ thiết thực nhất đối với nghề truyền thống của quê hương.

Du lịch, GO! - Theo Thục Hiền, Trần Thanh Giang (SGTT)

Lễ hội Đường sách Tết Quý Tỵ 2013

Với chủ đề “Sách và 54 dân tộc”, lễ hội Đường sách Tết Quý Tỵ 2013 được tổ chức trong vòng 7 ngày, từ ngày 7 đến 13-2-2013 (tức từ ngày 27 tháng chạp đến mùng 4 tháng giêng Tết).

Lễ hội sách được tổ chức nhằm mục đích góp phần tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, cội nguồn, văn hóa, tâm hồn con người Việt Nam; vun đắp lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ vẹn toàn biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Theo đó, không gian của lễ hội sách giới hạn từ đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, phân chia thành 3 khu vực chính.

Cụ thể, tại khu vực sách thiếu nhi (trên đường Ngô Đức Kế) sẽ trưng bày sách, ảnh thiếu nhi, xe sách lưu động, sách cho người khiếm thị, khu trò chơi cho thanh thiếu nhi.

Tại khu vực trưng bày sách (gồm cả sách điện tử) trên đường Mạc Thị Bưởi và một phần đường Nguyễn Huệ sẽ giới thiệu sách chuyên đề về các dân tộc Việt Nam và về chủ quyền biển đảo, sách mới của các NXB như: NXB Tổng hợp, NXB Trẻ, NXB Văn hóa - Văn nghệ….

Tại khu vực trên đoạn giữa đường Nguyễn Huệ đến đường Ngô Đức Kế sẽ triển lãm 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng đoàn kết, chung sức bảo vệ biên giới, biển đảo. Trưng bày, giới thiệu hình ảnh văn hóa, trang phục của 54 dân tộc khắp ba miền đất nước, bản đồ, tư liệu ấn phẩm về biển, đảo.

Ngoài ra, Lễ hội đường sách năm nay còn có khu vực không gian tri thức và Cà phê sách, trưng bày một số phương tiện, thiết bị truyền thông về xuất bản sách điện tử, là nơi dừng chân của du khách đến tham quan hoạt động của đường Sách, đường Hoa. Khu Cà phê sách với một số kệ sách phục vụ khách thưởng lãm và đọc sách miễn phí.

Lễ hội do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức. Tổng kinh phí dự kiến cho lễ hội Đường sách Tết Quý Tỵ 2013 là khoảng 3,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 50%, phần còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Môt thoáng Buôn Đôn

Mùa này khô lắm, không có một giọt nước mưa, bầu trời trong xanh đến lạ, dòng sông Sêrêpôk cuồn cuộn chảy mang theo bao câu chuyện cổ xưa. Đêm thâu, đâu đó trong buôn tiếng cồng chiêng vẫn cứ bùng bi ngân vào rừng thẳm… Rượu rót tràn ly, múa hát canh thâu tiễn chân một người già Tây Nguyên về với tổ tiên, về với cõi vĩnh hằng…

Dòng Sêrêpôk chảy ngược 

Đoạn sông Sêrêpôk đẹp nhất có lẽ là đoạn thác 7 nhánh chảy qua địa phận xã Krông Ana. Những tảng đá to tướng nằm lô nhô chắn dòng chảy tạo nên một con thác vô cùng đẹp. Chúng tôi tới đây nhằm đúng mùa khô. Người dân ở đây bảo rằng, vào mùa mưa nước nhiều thì đẹp lắm. Dòng nước chảy cuộn chồm qua những tảng đá khổng lồ tạo thành 7 nhánh vô cùng thú vị.

Sêrêpôk là con sông kỳ lạ nhất ở nước ta. Dòng sông khởi chảy từ nam Trường Sơn gồm 2 dòng sông Krông Nô (đực) và Krông Na (cái). Krông nô có dòng chảy dũng mãnh, ngầu đục phù sa, còn Krông na thì êm đềm, hiền hoà, trong vắt. Khi 2 dòng hợp nguồn tạo thành Sêrêpôk cuồn cuộn, vượt qua bao thác, ghềnh. Đặc biệt là sông không đổ ra biển theo quy luật muôn đời mà lại đổ ngược dòng về thượng nguồn phía tây Trường Sơn. Trên dòng chảy của mình, Sêrêpôk đã ôm vào lòng bao nhiêu thác ghềnh huyền thoại như Đray Nur, Đray Sáp, Trinh Nữ… giữa đại ngàn. Phía bên kia dòng Sêrêpôk là khu rừng quốc gia Yok Đôn rộng 115.00 ha, phía bên này sông là những buôn làng của người Êđê, Mnông lặng lẽ từ nghìn đời nay. Cái nắng, cái gió Tây Nguyên và tiếng cồng chiêng mê hoặc đã làm nên một miền đất huyền thoại lạ kỳ.

Trên dòng Sêrêpôk có rất nhiều những hòn đảo nhỏ, xanh mướt mát những cây si già. Công ty du lịch làm những chiếc cầu văng dây cho du khách lên đảo. Một không gian hoang sơ giữa non nước hữu tình khiến ai cũng mê mẩn bởi vẻ đẹp thần tiên. Những nguời sống ở thành phố bụi bặm, ồn ào tới đây dù chỉ một lần sẽ vô cùng ấn tượng.

Kể chuyện Buôn Đôn

Chúng tôi di chuyển tới trung tâm Bản Đôn - một trong những địa danh nổi tiếng nhất giữa vùng Tây Nguyên này. Chuyện kể rằng, ngày xửa  ngày xưa, già làng Nthu Knul đưa bộ lạc vượt sông Sêrêpôk tìm nơi định cư, thành lập bản. Khi bà con nhìn thấy những hòn đảo trên dòng sông này có đất tươi tốt, có thể sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và sắn thú rừng thì dừng chân lập buôn trên các đảo, tạo nên một làng đảo. Theo tiếng Êđê thì đảo có nghĩa là đôn, làng là bản và Bản Đôn đã ra đời từ đó.

Già làng Nthu Knul đã dạy dân nghề săn bắt voi rừng hoang dã đem về thuần chủng để chúng phục vụ cho cuộc sống của con người. Và Bản Đôn đã trở thành địa danh huyền thoại về nghề săn bắt voi và cũng là nơi có nhiều voi nhất cả nước. Lại nghe kể rằng, ngày xửa ngày xưa, gia đình nào ở Bản Đôn cũng có ít nhất 1 con voi, nhà nhiều thì có cả chục con. Một thời con voi được lấy làm đơn vị tính toán, trao đổi, phạt vạ trong cuộc sống con người. Chẳng hạn, người chồng mà bỏ vợ thì phải nộp phạt một con voi… Hiện nay giá một con voi trưởng thành từ 300 tới 400 triệu đồng. Mới đây một công ty du lịch ở Buôn Đôn thuê một con voi của dân cho du khách cưỡi, con voi bị chết, chủ voi yêu cầu bồi thường 400 triệu đồng.

Muốn được cưỡi voi quanh Bản Đôn, du khách phải trả giá 50.000 đồng cho 15 phút. Và có thể đi cả ngày cũng được, cứ giá đó mà trả tiền.

Đám ma cụ Dạ Măng

Tin cụ bà Dạ Măng (88 tuổi, người Êđê) chết được loan báo đi rất nhanh trong bản Jiang Lành và những bản xung quanh. Cụ Dạ Măng có tới 12 người con nên đám ma của cụ rất lớn và long trọng. Cụ ra đi lúc sáng sớm ngày 29-11-2012. Người cháu trưởng của cụ là Y Măng Kađốc chủ trì toàn bộ lễ tang. Ngay buổi trưa ngày 29, anh cho mổ 2 con lợn mỗi con gần 1 tạ làm cỗ cho bà con tới chia vui với gia đình. Trên mỗi bàn đặt 2 bát thịt và mấy chai rượu "quốc lủi”, ai tới cứ việc uống, ăn tự nhiên, ngồi thâu đêm tới sáng. Buổi tối thì bắt đầu thắp hương viếng, con cháu ngồi xung quanh quan tài, các cụ ngồi hát, nam thanh niên thì đánh cồng chiêng, con gái thì nắm tay nhau nhảy….

Tiếng cồng chiêng âm vang dội vào núi rừng nghe hùng tráng và huyền bí. Tối khuya thanh niên trong những bản xung quanh kéo tới nhảy múa rất vui, rượu chảy như suối, bất kể quen hay lạ, cứ tới đám là uống, là nhảy múa suốt đêm. Cháu trưởng Y Măng Kađốc tranh thủ giới thiệu về phong tục làm đám ma của người Êđê. Anh cho biết: Người già mà chết là việc vui trong gia đình, trong buôn, ai tới cũng uống rượu cho vui như thế. Anh mời: "Ngày cúng Giàng cho cụ vui lắm, cố gắng tới dự nhé”. Tôi nhận lời với anh và cũng muốn một lần chứng kiến tang lễ của người Êđê. Y Măng dạy tôi đánh chiêng góp vui trong đêm tang lễ đầu tiên của bà ngoại anh.

Sáng sớm ngày lễ cúng Giàng cho người quá cố, đám thanh niên mổ một con bò khá to, lấy đùi, đầu và một miếng thịt cùng với một hũ rượu đặt ngay giữa nhà. Y Măng cho biết sẽ tổ chức cúng Giàng liên tục (từ ngày 30-11 cho tới chủ nhật ngày 2-12) mới đưa cụ ra mả. Mỗi hôm cúng Giàng lại mổ một con bò hoặc con trâu làm cỗ cho dân làng ăn uống. Cụ Dạ Măng có 12 người con, trong đó có 6 con gái, chỉ những con gái mới góp trâu, bò làm tang lễ, con trai đi lấy vợ không có của hồi môn gì nên góp tuỳ tâm.

Khách tới đám tang khá đông, cỗ bưng lên, không kể là mâm mấy người, cứ ngồi vào ăn. Món đặc sản của người Êđê trong những bữa tiệc là món nộm lòng bò, gần giống với món tiết canh của người Kinh.

Theo kế hoạch của Y Măng thì sau 15 ngày kể từ lúc mai táng sẽ làm lễ bỏ mả - nghi lễ quan trọng nhất đối với người Êđê. Đại lễ này sẽ diễn ra dòng dã trong 3 ngày. Thời gian làm lễ bỏ mả tuỳ thuộc vào từng gia đình tang chủ, ai có điều kiện thì để lâu hơn từ 1 tới 3 tháng. Kể từ khi mai táng cho tới lễ bỏ mả thì ngày nào tang chủ cũng phải mang đồ ra mộ cúng cho người chết. Quy mô tổ chức lễ bỏ mả thể hiện đẳng cấp, gia thế của tang chủ. Nhà càng giàu thì tổ chức càng to. Nhà nào nghèo thì làm đơn giản thôi. Tuyệt đối không có sự chê trách hay ganh tị, so sánh với nhau.
Mỗi khi có người chết thì cả buôn đều tới chia sẻ. Với quan niệm chết là về với tổ tiên, được lên thiên đàng nên cái chết đối với người Êđê thật đơn giản.

Du lịch, GO! - Theo Daidoanket, internet

Hạ Long đẹp cả trong mưa

Hàng trăm năm qua, kỳ quan thế giới Hạ Long đã được bao danh nhân, chính khách, nhạc sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, nhà nhiếp ảnh... cả trong và ngoài nước ca ngợi, mô tả vẻ đẹp dưới nhiều góc độ, thời gian khác nhau, từ: xuân, hạ, thu, đông cho đến các thời khắc: ban mai, hoàng hôn, đêm, sáng, trưa v.v... Tuy nhiên, Hạ Long đẹp ngay cả trong... mưa thì ít người nói tới.

Có nhiều dịp đi công tác trên Vịnh Hạ Long, gặp mưa, thậm chí ướt hết quần áo tôi mới chợt cảm nhận ra điều ấy. Quả thật, ngay cả trong mưa, Hạ Long vẫn có những nét quyến rũ riêng của nó. Ai đã một lần chứng kiến trận mưa rào trên Vịnh Hạ Long hẳn sẽ không dễ quên.

Không giống như trên bờ, mưa rơi tạo thành tiếng leng keng nơi mái tôn hay rì rào, ào ào khi rơi trên lá rừng..., mưa trên Vịnh Hạ Long có một nét là lạ: Những hạt mưa nặng trĩu rơi xuống mặt biển, vỡ tan tạo nên âm thanh nghe ràn rạt. Khắp mặt biển, bốc lên một làn hơi nước mờ mờ, dày khoảng 20-30cm trông như một tấm thảm màu trắng xốp, tuyệt đẹp.

Theo quy luật tự nhiên, sau mỗi cơn mưa rào bầu trời thường trong trẻo, quang đãng hơn. Hạ Long hiện ra thật lộng lẫy nếu có thêm chút nắng vàng.

Trên các đảo đá, xen kẽ giữa màu xanh biếc của thảm thực vật là những khoảng xám đen do nước mưa vừa ngấm vào đá vôi tạo nên. Một số đảo đá do quá trình xâm thực của tự nhiên, các trầm tích đá vôi hoà tan từ trên đỉnh hay lưng chừng chảy xuống vô tình tạo thành những bức tranh với các gam màu: Vàng, nâu, trắng ngà... mà ai đó như đang vẽ dở. Chưa hết, trên đỉnh một số đảo đá cao chừng hơn 100m sau cơn mưa thường đọng lại một vài đám mây trùm lên. Bắt gặp hình ảnh này, những người hay liên tưởng dễ nhớ đến hình ảnh động Hoa Quả Sơn của Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký của Trung Quốc, từng chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Mùa xuân, mưa trên Vịnh Hạ Long nhẹ nhàng hơn. Những cơn mưa bụi giăng giăng như giây bột, có khi kéo dài hàng tuần như muốn mau chóng trả lại màu xanh cho những thảm thực vật trên các đảo đá, sau mấy tháng khô hạn. Mưa xuân đôi khi thường kèm theo cái rét ngọt làm các du khách phải xuýt xoa. Bù lại, du khách sẽ được ngắm Hạ Long trong khung cảnh các đảo đá mờ mờ trong mưa và trong sương.

Đây, đó ven chân các đảo đá những chiếc thuyền câu của dân chài khi ẩn, khi hiện, trong lòng thuyền những đốm lửa từ bếp than hồng của ngư dân thổi cơm chốc chốc lại loé lên, tạo không khí ấm áp, gần gũi. Cả Hạ Long khi ấy giống như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ, nhưng nó không tĩnh như các bức tranh của các hoạ sĩ vẽ trên giấy mà hoàn toàn sống động.

Điều thú vị là trong các truyền thuyết về Hạ Long, có không ít truyền thuyết gắn liền với mưa như sự tích tên gọi hang Trinh Nữ và hang Hanh. Chuyện rằng xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo, gia đình cô phải đi làm thuê cho tên địa chủ trong vùng. Thấy cô xinh đẹp, hắn ép gia đình cô phải gả cô làm vợ bé cho hắn. Cô gái không chịu vì đã có người yêu, chàng trai đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn bị cho lễ cưới của họ. Không làm gì được, tên địa chủ bèn đày cô ra một đảo hoang. Một đêm mưa gió, cô gái đã hoá đá. Biết tin cô gặp nạn, chàng trai mải miết bơi thuyền đi tìm. Giông bão ập đến làm thuyền chàng vỡ nát, chàng dạt lên một đảo hoang.

Trong ánh chớp, chàng nhìn về phía xa và nhận ra người yêu nhưng những lời gọi của chàng đã bị mưa gió đem đi. Chàng bèn dùng hòn đá đập vào vách núi làm tín hiệu báo rằng mình đã đến. Chàng gõ mãi tới khi máu trên tay chảy đầm đìa, tới khi chàng cũng hoá đá. Bởi thế, dân gian gọi hang nơi cô gái hoá đá là hang Trinh Nữ và hang nơi chàng trai hoá đá là hang Trống, hay còn gọi là hang Con Trai.

Đối với truyền thuyết hang Hanh thì kể rằng có ba cô gái đi chơi thuyền trên biển, gặp mưa to bèn chạy vào hang trú mưa, thấy cảnh đẹp mải xem khiến bị mắc kẹt trong hang mà chết đuối... Vẫn biết các truyền thuyết trên đây chỉ là hoang đường nhưng nó đã góp phần làm cho Vịnh Hạ Long đẹp hơn, thi vị hơn.

Mưa trên Vịnh Hạ Long. Nếu trên hành trình bất chợt gặp phải, du khách đừng coi đó là phiền muộn mà hãy ngắm để mà cảm nhận. Chỉ có điều trước khi cảm nhận du khách đừng quên, rằng: Không phải nắng, gió mà chính là mưa, qua hàng triệu năm đã tác động, kiến tạo nên hình thù của các đảo đá và các hang động tuyệt đẹp trên Vịnh Hạ Long như ngày nay.

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Ninh, internet

Nửa đêm đi chợ âm phủ ở Thái Bình

Chợ ma, hay chợ âm phủ, là tên gọi chỉ chợ đêm Đồng Bằng thuộc địa bàn xã An Lễ (Quỳnh Phụ, Thái Bình), buôn bán duy nhất một mặt hàng "đặc sản" là chiếu trắng dệt bằng tay.

< Cổng vào chợ chiếu đêm Đồng Bằng ngay trên mặt đường Quốc lộ 10 được mở vào lúc 0h sáng.

Chiếu cói Quỳnh Phụ (Thái Bình) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng không phải ai cũng quen thuộc với phiên chợ chiếu đêm tại đây mà người dân vẫn quen gọi là chợ ma hay chợ âm phủ.

Hình ảnh những chiếc chiếu trắng được dựng thẳng đứng, người mua kẻ bán nhập nhoạng có thể làm người yếu bóng vía toát mồ hôi.

Cư dân quanh vùng cũng đã không còn nhớ nổi cái tích lý giải cho việc chợ họp vào cái giờ oái oăm như thế. Chỉ còn biết từ nửa đêm đến rạng sáng ngày 4 và 9 hàng tháng theo âm lịch (4,9,14,19,24,29) chợ chiếu Đồng Bằng chính thức vào phiên.

< Phiên chợ đay được mở sớm hơn, một con đay nguyên liệu nặng 1,5 cân bán với giá từ 70 đến 80 nghìn đồng, có thể dệt được đôi chiếu dài 1,6m, sợi đay càng nhỏ thì càng dễ bán.

Hơn 12 giờ đêm trời tối đen như mực, ngửa lòng bàn tay còn không thấy. Không gian tĩnh lặng cộng với cái giá buốt trong đêm khiến cho người ta dễ có cảm giác rằng xã An Lễ (huyện Quỳnh Phụ) quê mùa này đang chìm sâu vào giấc ngủ.

Vậy nhưng chỉ nửa giờ đồng hồ sau, phía quốc lộ 10 bắt đầu nhộp nhịp với hàng trăm xe đạp lò dò trong bóng tối dày đặc, khó trông rõ nhân dạng. Mỗi chiếc xe chở vài đôi chiếu cói mộc hay còn gọi là chiếu trắng. Một lát sau, các lái buôn cũng xuất hiện với các ngọn đèn pin trong tay. Đó là thứ ánh sáng duy nhất từ chợ chiếu. Đúng 1 giờ sáng, cổng chợ Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) mở toang và phiên chợ bắt đầu.

< Trước đây để xem hàng khách chỉ sử dụng chiếc đèn dầu, còn hiện nay dùng duy nhất loại đèn mỏ để soi. Kẻ mua người bán tại chợ chiếu “âm phủ” đều thích thú với cảnh giao dịch tranh tối tranh sáng vì “càng nhập nhoạng càng dễ có lợi”.

Một giờ sáng, tiếng í ới, hỏi han, chèo kéo làm khu chợ ồn ào hẳn. Duy chỉ ánh điện là không có, khiến khu chợ Đồng Bằng như một đốm sáng nhạt chập choạng trong đêm. Không ai bảo ai, phiên chợ bắt đầu là hàng trăm, hàng ngàn đôi chiếu trắng được dựng đứng lên, che mất cả người bán. Nếu không tinh mắt, người ta dễ có cảm giác những đôi chiếu này dường như “có ma” khi tự đứng được. Lúc này, các lái buôn bắt đầu len lỏi qua các cột chiếu, cầm đèn đi soi chiếu, sờ soạng và chọn mua.

< Phiên chợ chiếu đông đến hàng trăm người bán, mở vào lúc 2h sáng, theo người cao tuổi nhất trong chợ đây là tục lâu đời không ai biết rõ lý do.


Chợ Đồng Bằng thuộc xã An Lễ nhưng dân dệt chiếu đổ về các phiên chợ đêm này từ các xã An Dục, An Tràng, An Vũ, An Quý… Còn cái lái buôn thì ngoài dân Thái Bình còn có cả thương lái chiếu từ Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng…

Chợ chiếu âm phủ Đồng Bằng nhóm 6 phiên mỗi tháng. Giữa các phiên chợ, người thợ tranh thủ dệt cho được vài ba đôi chiếu mới. Chính vì thế, mỗi khi phiên chợ bắt đầu, khi các lá chiếu mới được mở ra là mùi cói, đay đặc trưng Quỳnh Phụ cứ lan tỏa cả một khoảng không.


< Người bán dựng chiếu đứng, xếp thành những hàng thẳng, để lối đi ở giữa chờ người mua tới xem chiếu.

Điểm đặc biệt của chợ chiếu Đồng Bằng là chỉ mua bán trực tiếp giữa người dệt và người mua. Và chợ chiếu cũng chỉ bán duy nhất mặt hàng là cói và chiếu mộc dệt tay bằng cói và đay. Đay được trồng lấy vỏ, cói được cắt lên từ ruộng nước ngọt. Tất cả các giai đoạn phơi, làm cói, dệt, kết, ghim, làm trắng… đều được người thợ chọn lựa và làm kỹ càng, tỉ mỉ. Chiếu đẹp là chiếu bóng, trắng, cứng, dày và đều tay. Chiếu trắng được mua về phải qua thêm công đoạn phơi hấp và in ấn.

< Chiếu đẹp là chiếu dày, bóng, trắng cỏ (cói), cứng chiếu, dệt đều tay. Còn chiếu xấu thường dệt mỏng, ít cỏ và xanh, tùy theo đó mà định giá, có chiếu đẹp được bán với giá vài trăm, chiếu xấu vài chục cũng có.


Chiếu cói Quỳnh Phụ khi nằm cho cảm giát mát, êm mà không lạnh. Chính vì thế, khi lái buôn đi mua chiếu cói, họ thường phải săm soi và sờ để cảm nhận độ êm của chiếu. Tuy nhiên, theo ông Lớn, người dân nơi đây chủ yếu dao dịch dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

“Nếu người bán chiếu cố tình lừa thì người mua cũng không thể phát hiện được bởi có soi thì cũng chỉ biết phần nào thôi. Chủ yếu là thật thà với nhau. Tức người bán cũng thật mà người mua cũng thật”.


< Những tay buôn chiếu đến từ khắp mọi nơi, sau khi mua chiếu trắng về còn phải đem nhuộm màu, hấp, phơi nắng…


Người Quỳnh Phụ ăn nói nhiệt tình, quý khách và thật thà. Họ gọi khách bằng “mình”, xưng “tôi” đầy thân thiện, tử tế và mộc mạc như những lá chiếu trắng. Tại những phiên chợ chiếu, âm thanh buôn bán náo nhiệt có thể ồn ào, có thể lộn xộn, có thể chèo kéo nhưng luôn niềm nở và tràn ngập tiếng cười.
“Đi chợ chiếu thì có buồn ngủ cũng không được vì lúc ấy thì rất vui và say mê buôn bán. Thêm nửa, lúc ấy đèn pin soi chói lọi thì làm sao mà ngủ được”, ông Lớn vừa cười vừa chia sẻ.


< Tiền thu nhập từ nghề chiếu cũng là nguồn lợi đáng kể của người dân quê lúa lúc nông nhàn.

Như bất cứ một phiên chợ nào, chợ chiếu Đồng Bằng chủ yếu ồn ào vì người mua ngã giá. Trung bình, một người thợ giỏi dệt được hai lá chiếu mỗi ngày, có giá dao động ở khoảng 200 ngàn đồng, tùy vào sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Người dệt khéo còn có thể dệt cả hoa văn trên lá chiếu trắng. Trừ tiền đay, cói, người thợ có thể mang về phân nửa số tiền bán chiếu.

< Dụng cụ chiếu sáng chính ở đây là đèn pin. Khách hàng dùng đèn để kiểm tra chiếu...

Phiên chợ là lúc người bán có thể tiêu thụ sản phẩm của mình để kiếm chút vốn liếng mua vật liệu cho lần dệt tới. Đó cũng là lúc người dệt có thể chọn mua cho mình những bó cói đẹp. Và đó cũng là lúc những người đi chợ có thể trao duyên gởi tình. Đã có không ít cặp đôi bén duyên với nhau nhờ phiên chợ chiếu về đêm đặc biệt này. Dệt chiếu, bán chiếu là nghề truyền thống của nhiều xã trong huyện Quỳnh Phụ. Cho nên bất kể vào mùa nào, chợ chiếu Đồng Bằng cứ đúng hẹn lại lên.

Mấy tiếng đồng hồ chóng vánh trôi đi, đến hơn 3h sáng chợ vãn dần. Những người bán chiếu xong, mua thêm một vài cân đay vội vã về nhà tranh thủ ngủ bù để sáng thức dậy lo tiếp chuyện ngày mai. Trong chợ chỉ còn lại những người mua vừa nhẫn nại bê từng cặp chiếu chất đống lên xe vừa hỏi nhau hôm nay mua được nhiều hàng không...

Được biết, chợ "âm phủ" không chỉ là tên gọi của riêng chợ chiếu Đồng Bằng mà nó còn được đặt cho chợ An Tràng và chợ An Dục, cũng họp vào nửa đêm và cũng bán những mặt hàng như vậy. Các chợ này họp theo phiên, cách nhau 5 ngày. Nếu chợ Đồng Bằng họp vào ngày 4, ngày 9 thì chợ An Dục họp vào ngày 2, ngày 7, chợ An Tràng họp vào ngày 1, ngày 6 âm lịch). Thực tế, chiếu cói ở những vùng này từ bao đời nay nổi tiếng bền đẹp, được khách nhiều nơi ưa chuộng.

< Theo nhiều người dân, ban ngày do công việc quá bận rộn nên phải mở chợ đêm để bán.

Chợ đêm hình thành chính là đầu mối thu gom chiếu xuất bán đi khắp cả nước. Ngày nay, cho dù có nhiều loại chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu dệt bằng máy ra đời, nhưng nhiều người vẫn ưa dùng chiếu cói dệt bằng sợi đay bởi nằm mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Cũng chính vì lý do ấy mà trải qua những thăng trầm của thời gian, biến động của làng nghề, chợ chiếu "âm phủ" vẫn tồn tại và nó thực sự trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức, không thể thiếu được của người dân quê lúa Thái Bình.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Soha, Rfi, web Thái Bình...

Biển Vũng Rô non xanh nước biếc

Vũng Rô là một thắng cảnh đẹp nằm ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cạnh quốc lộ 1A.

< Cảng xăng dầu Pygemaco, phía xa là đỉnh Đá Bia.

Nhìn trên bản đồ tỉnh Phú Yên, ở góc Đông Nam có một bán đảo hình dáng như đầu con chim với chiếc mỏ nhọn. Bán đảo ấy được hình thành bởi núi Vũng Rô làm cho bờ biển cao và dốc, ghềnh đá ngổn ngang tạo ra nhiều mũi, phía đông có mũi Mao, mũi Ba, phía nam có mũi La. Các bán đảo này ôm lấy Vũng Rô, tạo nơi đây thành một cảng biển tốt và sâu (có thể tới 15, 16m) để tàu thuyền neo đậu, tránh bão, đánh bắt cá.

< Đảo Hòn Nưa.

Vũng Rô có cả thảy 12 bãi nhỏ: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Nhãn. Phía Nam Vũng Rô là hòn Nưa, cao 105m, có hình dáng giống như cây trụ chia đôi cánh cửa vào Vũng Rô. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Trụ tự.

Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chiếc tàu không số từ miền Bắc chở vũ khí, đạn dược, cung cấp cho chiến trường Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

< Đài tưởng niệm tàu không số ở Vũng Rô.

Biết bao tấn vũ khí, đạn dược, muối gạo, thuốc men đã bốc lên từ cảng Vũng Rô và vận chuyển trên đoạn đường này để đến tay các chiến sĩ giải phóng, các chiến sĩ tự vệ mật trong các căn cứ cách mạng và đô thị. Tại Vũng Rô hiện còn xác một con tàu không số từ miền Bắc vào bị lộ.

Các chiến sĩ ta đã tranh thủ bốc hết hàng, đặt bộc phá đánh đắm tàu, đặt thuốc nổ đánh sập cửa khoang, không cho địch cướp vũ khí còn lại ở trong khoang, sau khi đã chuyển một phần lên căn cứ. Vũng Rô được Nhà nước công nhận là di tích “lịch sử - văn hóa quốc gia”.

< Di tích tàu không số.

Thế nhưng, gần 30 năm sau chiến tranh, Vũng Rô chỉ còn là một địa danh quen thuộc của ngư dân tránh bão, trên bờ vịnh là nơi hội tụ của ngư dân phiêu tán từ nhiều miền đổ về. Mãi đến gần đây, Vũng Rô mới bắt đầu được đánh thức. Người dân Vũng Rô suy tôn ông Châu Đình Kháng là bậc “tiền hiền” bởi có công khai khẩn vùng đất tươi đẹp này.

Năm 1979, khi Vũng Rô còn là một bờ vịnh hoang vắng, nhô theo những sườn núi là những cánh rừng xoải thân ra gần chân sóng. Heo rừng, hoẵng, nhím, chồn hương còn rượt đuổi nhau trên bờ cát tranh mồi. Ông Kháng đã quyết định đưa cả gia từ phường 6 (thị xã Tuy Hòa lúc ấy) ra đây lập quê hương mới.

Mười năm trước, Phú Yên đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Vũng Rô thành cảng cá, song mãi đến gần đây, sau khi vùng kinh tế động lực Nam Phú Yên được chú trọng thì Vũng Rô được xác định lại là cảng biển tổng hợp. Khi các công trình xây dựng cầu cảng của cảng biển Vũng Rô, khu nhà điều hành mọc lên, Vũng Rô bắt đầu chuyển động và trở thành giấc mơ đổi đời của hàng vạn nông dân, ngư dân Phú Yên.

Ngày nay, Vũng Rô quyến rũ du khách với màu xanh của dãy núi Hòn Bà in bong xuống màu xanh của biển, với những triền cát trắng xoá, mịn màng, với những bãi tắm nhỏ, sạch hoang sơ và yên bình. Cách Vũng Rô không bao xa là khu bảo tồn thiên nhiên Bắc đèo Cả cùng thắng cảnh núi Vọng Phu nổi tiếng.

Nằm cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 30km về phía nam, Vũng Rô hiện ra như một khu đô thị sầm uất có cảng biển tấp nập tàu thuyền cập bến; có khu dân cư với nhà cửa, tiện nghi khang trang, giao thông thuận lợi; có nghề đánh bắt hải sản và nghề nuôi tôm phát triển; có bãi neo đậu cho tàu thuyền trong những ngày giông bão; có những bãi biển đẹp với bờ cát trắng mịn, với những hàng dừa nghiêng mình soi bóng xuống mặt biển..., tất cả điều đó tạo nên một nét riêng cho Vũng Rô. Vũng Rô vẫn là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng không chỉ ở Phú Yên mà là ở cả khu vực Duyên hải miền Trung.

< Làng chài tại thôn Bãi Ngà.

Đến với Vũng Rô, bạn có thể kết hợp thăm khu di tích lịch sử để được nhìn lại nơi cập bến của những con tàu không số và suy ngẫm về quá khứ hào hùng của dân tộc; dạo quanh các bãi biển để tận hưởng cảm giác thanh bình với bầu không khí trong lành, cũng có thể quan sát nếp sống của người dân nơi đây qua những ngành nghề họ đang làm.

Bạn cũng có thể dạo qua cảng để thấy sự tấp nập khi tàu thuyền cập bến hay có thể đi tàu ra đảo Hòn Nưa để tận hưởng cảm giác lênh đênh trên sóng nước và có thể quan sát Vũng Rô từ bên ngoài.

< Bãi Bàng hoang sơ.

Ngoài tuyến đường chính là theo quốc lộ 1 thì tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (Hòa Tâm - Hòa Xuân Nam) chạy dọc bờ biển xã Hòa Tâm đi qua Mũi Điện, đưa Vũng Rô xích lại gần hơn với các khu vực khác trong huyện.

Điều này vừa tạo điều kiện cho sự thông thương trao đổi mua bán của nhân dân cũng như mở ra tương lai cho việc tham quan khu di tích lịch sử và các thắng cảnh trong cụm thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện, núi Đá Bia và Vũng Rô. Trong tương lai không xa, Vũng Rô sẽ trở thành điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài tỉnh.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

“Pá pỉnh tộp” vùng Tây Bắc

Pa pỉnh tộp (cá nướng) là món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc từ lâu đã nổi tiếng và luôn được du khách tìm thưởng thức khi có dịp ghé thăm bản làng tại đây. 

Các món ăn Thái nhìn chung không cầu kỳ kiểu cách nhưng khi đã được thưởng thức thì không dễ quên được, trong đó đặc biệt là món pa pỉnh tộp (tức là cá nướng úp) mang đậm bản sắc dân tộc Thái.
Tục ngữ Thái có câu: ''Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú'' nghĩa là: ''Gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho''. Cá nướng này trân quí không chỉ bởi giá trị ẩm thực mà còn ước lượng chuẩn xác và bàn tay khéo léo của người làm ra nó.

Pa tỉnh tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nước ngọt nào. Thế nhưng, để làm được món pa pỉnh tộp thơm ngon, người Thái thường chọn loại cá suối (cá sỉnh) hoặc cá chép thật béo và còn tươi sống. Cá còn tươi đem làm sạch vảy, sau đó mổ cá đằng dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá. Khi mổ cá phải dùng dao thật sắc, khía thẳng, dứt khoát, không khía nhiều lần gây nát cá. Sau khi bỏ mật cá bắt đầu ướp nhồi gia vị.

Pa pỉnh tộp được người Thái ướp bằng ớt bột khô nên khi nướng cá có mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra cá để nướng, người ta ướp đậm muối một chút so với cá đem rán. Sau khi tẩm ướp con cá, để khoảng 5 - 10 phút, đem nhồi vào bụng cá những loại gia vị, rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng (hom mu chưn) và mầm măng của cây sa nhân. Gấp úp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng.

Que gắp nướng (híp pỉnh) phải làm bằng cây tre bương dày, còn tươi, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn. Sau đó phải nướng cá trên than của cây củi gỗ núi đá. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì cá không chín vàng đều và không thơm ngon. Khi nướng cá, cần phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa, cá sẽ cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái có sáng kiến dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát.

Pa pỉnh pộp khi chín vàng rộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng, cả các loại rau thơm hòa quyện một cách hoàn hảo. Món này thường được ăn cùng với cơm gạo mới, xôi dẻo. Tuy chỉ là món ăn dân dã, nhưng pa pỉnh tộp từ lâu đã nổi tiếng như một món ăn đặc trưng của ẩm thực dân tộc Thái, được nhiều người biết đến.

Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt, cay của quả mắc khén, màu xanh của hành, xanh của rau thơm lẫn màu vàng của cá nướng. Cơm xôi ăn với ''Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá bống kho của người miền xuôi vậy.

Mỗi khi có khách quý tới nhà, sau khi đôi lời chia vui, cảm ơn quý khách chủ nhà sẽ mời và chia một phần ''Pa Pỉnh Tộp'' cho khách và mọi người với ý niệm: đây là món ăn quý, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên. Vừa là món ăn dành để đãi khách quý, "Pa Pỉnh Tộp" cũng còn vừa món ăn đời thường, rất thuận tiện cho việc gói cơm đi làm nương rẫy hàng ngày. Cơm xôi ăn với cá nướng, chấm muối ớt giã (chẳm chéo), cùng với can nước mát thật giản dị mà ngon miệng.

Giờ đây món ''Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái đã trở nên nổi tiếng và trở thành nhu cầu được thưởng thức đối với du khách, vì vậy bạn đừng bỏ qua nếu có cơ hội đến thăm bản của người Thái.

Lên Tây Bắc bất cứ mùa nào trong năm, dừng chân ở một nhà hàng nhỏ ven đường hay một nếp nhà sàn dân tộc, bạn đều có thể được chủ nhà đãi bằng một món ăn Thái rất đỗi bình dị mà đậm đà chất cao sang. Chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được hương vị của “Pá pỉnh tộp” khi thưởng thức món ăn này.

Du Lịch, GO! - Tổng hợp từ internet
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...